Cháy xe điện và những nguy cơ tiềm ẩn
Dù là xe điện hay xe sử dụng động cơ đốt trong, người lái xe luôn phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng và những công cụ về phòng cháy.
Xe điện đang ngày càng trở nên phổ biến đối với người dùng, và vấn đề cháy xe điện so với xe sử dụng động cơ đốt trong cũng dấy lên những mối lo đối với loại xe này.
Những nguyên nhân chính gây ra cháy xe điện
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến cháy xe điện: do tiếp xúc với nhiệt độ cao, do tai nạn, va chạm với lực mạnh và do sự cố về hệ thống điện.
Trước tiên, pin Lithium-ion được sử dụng trên xe điện nếu tiếp xúc với nhiệt độ quá cao sẽ dễ gây ra cháy nổ, từ đó ngọn lửa và lượng nhiệt lan tỏa đến cả xe dẫn đến đám cháy ngày càng dữ dội và khó dập tắt hơn.
Tiếp theo, những tình huống tai nạn hoặc va chạm giao thông mạnh cũng sẽ làm cho pin trên xe dễ bị vỡ, bị đoản mạch làm giải phóng nhiệt và tăng nguy cơ cháy xe.
Cuối cùng, những sự cố về hệ thống điện như pin kém chất lượng, chạm chập đường dây điện, quá nhiệt do làm mát kém, thoát nhiệt kém, các mối tiếp xúc kém dẫn đến xuất hiện tia lửa điện, sẽ làm cho xe có thể bốc cháy bất cứ khi nào.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như ngoại cảnh tác động, do chất lượng sản xuất từ nhà máy, do bảo dưỡng kém… cũng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy xe điện.
Nguyên nhân cháy xe sử dụng động cơ đốt trong
Những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây cháy xe mà nhiều người dùng vẫn chủ quan chưa để ý.
Đầu tiên, những tai nạn nghiêm trọng khiến xe bị đâm mạnh, vỡ đường ống tuy ô chứa nhiên liệu, chứa nước làm mát, chứa dầu thủy lực… kết hợp với tia lửa điện tạo ra do cọ xát kim loại sẽ làm xe dễ bốc cháy.
Hay gặp nhất trong các vụ cháy xe là do động cơ bị quá nhiệt, làm cháy khoang máy và cháy lan cả xe. Người lái xe cần chú ý đồng hồ báo nhiệt độ nước làm mát để tránh tối đa hư hỏng và tai nạn đáng tiếc trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, nhiều xe gặp sự cố với hệ thống điện như quá tải, chập điện cũng dễ sinh ra các đám cháy nhỏ, sau đó lan dần sang cả xe. Các nguyên nhân khác có thể kể đến là: rò rỉ nhiên liệu, nước làm mát, rò rỉ đường ống dầu thủy lực…khi gặp tia lửa điện sẽ bắt cháy và lan ra cả xe.
Xe điện có dễ cháy hơn xe động cơ đốt trong?
Xe điện có tỉ lệ xảy ra sự cố cháy là thấp. Các nhà sản xuất trang bị cho xe điện rất nhiều công nghệ kiểm soát và an toàn để giảm thiểu tối đa sự cố cháy xe.
Dữ liệu do Air Quality News thu được vào năm 2019 cho thấy, Đội cứu hỏa London đã giải quyết 54 vụ cháy xe điện so với 1.898 vụ cháy xe xăng và xe diesel. Con số này vào năm 2020 là 27 vụ cháy xe điện và 1.021 vụ cháy xe xăng và diesel. Tất nhiên thống kê này chỉ mang ý nghĩa tương đối, khi số lượng xe động cơ đốt trong là lớn hơn xe điện rất nhiều.
Xe điện ngày càng trở nên phổ biến và càng được trang bị nhiều công nghệ an toàn hơn trong quá trình phát triển. Tuy vẫn còn đó nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ, nhưng so với xe sử dụng động cơ đốt trong thì xe điện phần nào cho thấy sự an toàn, yên tâm khi sử dụng.
Xử lý khi gặp sự cố cháy xe
Nguyên tắc xử lý chung khi gặp sự cố cháy xe là cố gắng thoát hiểm, sau đó sử dụng mọi công cụ dập tắt đám cháy như bình xịt cứu hỏa, nước, cát, chăn ướt… So với xe sử dụng động cơ đốt trong, đám cháy xe điện có phần nguy hiểm hơn.
Theo Bedsfire, trong một vụ cháy xe điện, hơn 100 hóa chất hữu cơ được tạo ra, bao gồm một số khí cực kỳ độc hại như Carbon monoxide (CO) và Hydrogen cyanide – cả hai đều gây tử vong cho con người. Do đó, khi đối phó với vụ hỏa hoạn xe điện, đội cứu hỏa cần có đồ bảo hộ.
Dù là xe điện hay xe sử dụng động cơ đốt trong, người lái xe luôn phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng và những công cụ về phòng cháy. Nhất là khi thị trường xe điện ngày càng sôi động, thì sự an toàn càng phải đặt lên hàng đầu.
Theo: Zingnews